Hiện nay ở nước ta có ba vùng trồng cacao chính, là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, ca cao chủ yếu được trồng xen (với dừa, điều, cây ăn trái…) chứ không chuyên canh như ở các nước xuất khẩu lớn (Côte d’Ivoire, Ghana, Indonesia). Chúng ta cùng tiềm hiểu thêm về các giai đoạn trồng cacao tại Việt Nam nha
Giai đoạn trồng cacao theo phong trào
Trào lưu trồng cacao đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu từ trước khi đất nước thống nhất. Ca cao lần đầu tiên được đưa vào miền Nam Việt Nam bởi người Pháp (từ trước năm 1954) và người Mỹ (trước năm 1975), nhưng do hạn chế về chiến tranh và bất ổn ở các khu vực sản xuất nông nghiệp nên đã không thể khai thác tiềm năng thương mại của ngành công nghiệp mới khai sinh này. Trong thời kỳ đó, cây ca cao không mang lại lợi nhuận như cà phê, tiêu, điều nên đa phần bị chặt bỏ.
Trào lưu thứ hai là vào những năm 1980. Trong những năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng phát triển cây ca cao ở các nông trường quốc doanh. Nỗ lực này đã hình thành các vùng trồng ca cao kéo dài qua nhiều tỉnh, từ Quảng Ngãi đến Cần Thơ, với sự tham gia của hàng ngàn nông dân. Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, diện tích ca cao đã đạt tới 3.000 ha. Dù người nông dân đã thành công trong việc trồng ca cao và cho thu hoạch nhưng các doanh nghiệp nhà nước đã thất bại trong việc xây dựng hệ thống tiêu thụ. Do không có các nhà thu mua nội địa cũng như không thể xuất khẩu nên hầu hết nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Sự thất bại này làm cho người dân và chính quyền có thái độ nghi ngờ với tính khả thi về hiệu quả kinh tế của cây ca cao tại Việt Nam.
Giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm
Trào lưu thứ ba là vào những năm 1990. Từ giữa năm 1990 đến năm 2000 là giai đoạn nghiên cứu và khảo nghiệm. Hiệp hội Ca cao thế giới (WCF) đã hỗ trợ Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh để thành lập Trung tâm Trình diễn ca cao, tiến hành các khảo nghiệm về giống, năng suất. Trong giai đoạn này còn có sự tham gia của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ,
Giai đoạn phát triển về quy mô
Từ năm 2001 đến 2012 là giai đoạn phát triển về quy mô. Trong giai đoạn này có rất nhiều dự án tài trợ cho phát triển ca cao ở Việt Nam, Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và tư nhân, Chính phủ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo chiến lược phát triển của ngành Công nghiệp ca cao.
Đến năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao các tỉnh phía Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Giai đoạn sụt giảm về quy mô
Từ năm 2013 đến nay là giai đoạn sụt giảm về quy mô. Trong giai đoạn này gần như không còn các dự án tài trợ phát cây giống cho nông dân do hai nguyên nhân: không có kinh phí hoặc có kinh phí nhưng không triển khai được do nhu cầu trồng trong dân thấp.
Qua các giai đoạn phân tích trên có thể thấy, ngành Ca cao Việt Nam chủ yếu được xây dựng bởi những dự án từ các tổ chức phi chính phủ và các dự án xóa đói giảm nghèo. Và khi sự tài trợ của các dự án này không còn nữa thì quy mô của cả nước cũng giảm theo.